1. KHÁI NIỆM TÀI NGUYÊN SỐ
Tài nguyên số của một Đài truyền hình (TNS) là khái niệm tương đối rộng. Chúng ta bắt gặp TNS ở hầu hết các hoạt động của Đài. Các tài nguyên này có thể liệt kê như sau:
– Chương trình, tư liệu truyền hình: Video HD, SD, Video độ phân giải thấp (Lowress)
– Đồ họa và ảnh tĩnh.
– Chương trình, tư liệu phát thanh: Audio
– Voice over – các kênh tiếng thuyết minh hoặc lồng tiếng.
– Subtile- phụ đề
– Kịch bản chương trình
– Tóm tắt, mô tả nội dung
– Lịch phát sóng
– Booking quảng cáo
– Danh sách khách hàng, đối tác..v.v.
Các tài nguyên đó hiện nay đang phân tán trên nhiều máy tính khác nhau, trên nhiều mạng khác nhau và phần lớn không được đánh số, chỉ mục, phân loại gây khó khăn lớn cho việc tìm kiếm, truy xuất và quản lý và bảo vệ tài nguyên.
Việc thiếu quản lý trung tâm đối với TNS ngày càng gây nhiều bất cập trong công tác quản lý và sản xuất hàng ngày của lãnh đạo và biên tập các Đài. Với tốc độ phát triển chóng mặt các TNS trên hệ thống tạo ra nhu cầu bức xúc đối với việc quản lý TNS.
2. PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC LƯU TRỮ TÀI NGUYÊN SỐ
a. MỐI LIÊN HỆ VÀ PHÂN LOẠI TÀI NGUYÊN SỐ
Để tổ chức lưu trữ, trước tiên phải nghiên cứu liên hệ giữa các nguồn tài nguyên và trên cơ sở đó, phân loại và tìm hình thức lưu trữ và tạo chỉ mục thích hợp cho từng nguồn tài nguyên.
Việc phân loại tài nguyên có thể dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. Áp dụng một bộ tiêu chí sẽ tạo ra một giải pháp quản lý riêng. Việc đánh giá ưu tiên các tiêu chí khác nhau cũng tạo nên sự khác biệt trong giải pháp lưu trữ. Chúng ta cũng chỉ bàn đến các tài nguyên số hoặc đã được số hóa. Trong khuôn khổ bài viết, chúng ta sẽ không bàn tới vấn đề số hóa các tài nguyên.
Theo cách rất tự nhiên sẽ có cách phân loại dựa theo nội dung của TNS. Với tiêu chí đó, chúng ta sẽ có rất nhiều loại TNS: Phim truyện, phim tài liệu, phóng sự, kịch bản phim, thời sự ngày, kịch bản phóng sự, bảng chữ cuối ngày, logo…. Phân lọai theo tiêu chí nội dung sẽ có ích cho việc tìm kiếm. Tuy nhiên, trong tổ chức lưu trữ, tiêu chí này gây bất lợi ở nhiều khía cạnh và thực tế chỉ được sử dụng khi tổ chức lưu trữ theo cây thư mục hiện tại. Lưu trữ theo cây thư mục theo nội dung là phương án quản lý TNS đang được sử dụng rộng rãi ở phần lớn các đài. Phương án này thậm chí được sử dụng cả với các bộ lưu trữ trung tâm có kích thước lớn nhiều chục Tetrabyte.
Tiêu chí tiếp theo có thể là tiêu chí về thời gian.
Phương án dựa trên tiêu chí này được phần lớn các đài sử dụng để tổ chức lưu trữ các chương trình- TNS có tính thời sự cao.
Ưu điểm của hai phương án tổ chức này là dễ thực hiện và rẻ tiền. Đây gần như là phương án bắt buộc khi chưa đầu tư các hệ thống quản lý hiệu quả hơn. Việc tổ chức này trong trường hợp làm tốt có thể ví với thư viện mà sách được phân loại theo nội dung sách còn báo và tạp chí thì phân loại theo ngày với bảng chỉ dẫn chia nhỏ ở từng tầng, từng phòng, giá, ngăn…
Phương án phân loại thứ ba là phân loại dữ liệu dựa trên tiêu chí về dung lượng lưu trữ. Các dữ liệu chiếm dung lượng lớn như Video, audio, đồ họa.. sẽ được xếp vào loại “MEDIA”. Các dữ liệu chiếm dung lượng bé hơn, phần lớn ở dạng text sẽ được xếp vào “METADATA”. Mặc dù Metadata theo định nghĩa là dữ liệu về dữ liệu, mọi dữ liệu khác với media đều có thể hiểu cách này hay cách khác theo nghĩa này.
Phương án phân loại này sẽ mặc định tạo ra phương án lưu trữ đại trà. Theo đó Media sẽ được lưu trữ ở các bộ lưu trữ trung tâm dung lượng lớn mà không phân mục chi tiết. Ngược lại Metadata sẽ được tổ chức ở máy tính riêng với đầy đủ thông tin về chỉ mục và đường dẫn đến các media liên quan.
Phương án tổ chức này chỉ có thế được thực hiện khi sử dụng các hệ thống quản lý được tổ chức theo cơ sở dữ liệu (CSDL). Phương án này giống với việc tổ chức thư viện theo số sách (số chỉ mục). Các cuốn sách được xếp theo thứ tự từ bé đến lớn theo trật tự nhất định. Cơ sở dữ liệu trong máy tính sẽ cung cấp cho bạn đọc chi tiết cuốn sách nào ở tầng nào, phòng nào, ngăn số mấy. Việc lựa chọn sách sẽ gói gọn lại chỉ còn là việc lọc các tiêu chí về cuốn sách mình cần để có được nơi lưu trữ và tìm đến địa chỉ của cuốn sách để lấy sách.
Theo phương án này, toàn bộ dữ liệu metadata sẽ được lưu trữ ở CSDL. Toàn bộ media sẽ được lưu trữ trên các thiết bị lưu trữ trung tâm và trong các vật liệu mang thông tin khác như đĩa cứng offline, đĩa quang, băng LTO hoặc các băng ghi video và thẻ nhớ.
Phương án này chính là phương án mà toàn bộ ngành truyền hình trên thế giới đang theo đuổi và cũng chính là chiến trường của hàng chục hãng phần mềm và tích hợp hệ thống với hàng chục sản phẩm khác nhau nhưng giống nhau ở một điểm: Không một sản phẩm nào được đóng gói hoàn chỉnh đến mức có thể triển khai ở bất kỳ nhà đài nào với đầy đủ tính năng thiết kế mà không phải sửa mã nguồn phần mềm (code) !
b. TỔ CHỨC LƯU TRỮ MEDIA
Phương án tổ chức lưu trữ Media đã được các chuyên gia trong ngành truyền hình gần đây mổ xẻ rất nhiều trong các bài báo trên tập san Khoa Học Kỹ thuật Truyền hình. Trước hết, về mặt đặc điểm lưu trữ, phần lớn các tác giả đều nhất trí về việc tổ chức thành 2 hệ thống lưu trữ vật lý:
• Hệ thống thiên về lưu trữ tư liệu với tốc độ bít lớn- đến 3Gbps cho một dòng dữ liệu chương trình. Định dạng lưu trữ ở đây phụ thuộc vào loại tư liệu và gắn chặt với mạng SXCT tốc độ cao để thực hiện việc chia sẻ tư liệu và tạo môi trường cộng tác giữa các biên tập viên và đạo diễn ở khâu SXCT.
• Hệ thống thứ hai thiên về lưu trữ chương trình hoàn chỉnh, theo đó các chương trình hoàn chỉnh sẽ được nén lại theo định dạng MPEG-2 Long GOP để lưu trữ lâu dài và để phát sóng. Tốc độ bít của mạng này không cần vượt quá 50 Mbps cho một dòng chương trình HDVT và 15 Mbps cho SDTV. Để đảm bảo chất lượng, thông thường MPEG-2 4:2:2 Long GOP là lựa chọn hợp lý.
Ngoài hai hệ thống chính trên, cần phải nhắc tới hệ thống lưu trữ thứ 3 – Lowress. Do không chiếm nhiều không gian lưu trữ nên việc tổ chức lưu trữ nó cũng không phức tạp nên thường ít được nhắc tới. Trong phần lớn trường hợp, Lowress thường được tổ chức riêng trên Streaming Server và đi kèm với dịch vụ WEB của hệ thống.
Đối với cả 03 hệ thống trên, cần thiết phải tổ chức việc lưu trữ backup và lâu dài. Về cơ bản, có các mô hình sau: Disk only
Disk to Disk
Disk to Tape
Disk to Disk to Tape (D2D2T)
Phần lớn các đài hiện đang ở giai đoạn Disk only.
Disk to Disk đang sử dụng ở phần lớn các kênh lớn với nội dung phát sóng hiện tại được lưu trên Server phát sóng, đồng thời được lưu trữ trên NAS.
Trên thực tế, LTO đã trở thành chuẩn backup không chỉ của ngành truyền hình mà của toàn bộ ngành IT của thế giới. Với xu thế tất yếu đó, phần lớn các đài sẽ dần chuyển sang giải pháp Disk to Disk to Tape. Đài có đầu tư lớn sẽ sử dụng Tủ băng tự động. Đài có đầu tư nhỏ hơn sẽ sử dụng mỗi đầu ghi băng LTO cùng với nhiều tủ hút ẩm. Băng LTO5 hiện tại cho phép lưu trữ lên tới 1.6TB trên một băng duy nhất. Cần phải để ý rằng, phần lớn TNS của đài truyền hình đã được nén tối đa nên không thể dùng tiện ích nén của LTO trong quá trình lưu trữ băng. Băng LTO5 thường được quảng cáo với dung lượng 3.2 TB có nén. Nếu nén lại video – audio, dung lượng lưu trữ thay vì giảm lại còn bị tăng cao (!) tức chúng ta sẽ bị thiệt khi lưu trữ.
Sự khác biệt rất lớn giữa backup của truyền hình và của IT tạo nên sự khác biệt trong giải pháp lưu trữ backup. Mục đích của lưu trữ backup của IT là đưa server trở lại trạng thái trước khi có vấn đề với số lượng dữ liệu mới bị mất mát càng ít càng tốt. Ngược lại, lưu trữ backup của truyền hình không quan tâm tới trạng thái của server mà chỉ quan tâm tới TNS – dữ liệu trong server. Chính vì lẽ đó, giải pháp backup cho truyền hình cũng khác nhiều so với IT. Mục tiêu backup của truyền hình là lưu càng nhiều bản sao của cùng một TNS trên càng nhiều máy khác nhau hay trên càng nhiều băng LTO khác nhau càng an toàn. Hơn nữa, toàn bộ TNS của Đài phải được backup lên nhiều vị trí ngay lập tức khi nó vừa được tạo ra thì mới đáp ứng được yêu cầu về an toàn tài nguyên của đài.
c. LƯU TRỮ META DATA
Metadata có ý nghĩa sống còn đối với Đài truyền hình. Một khi đã sử dụng hệ thống quản lý CSDL, nếu hệ thống chỉ mục này không hoạt động thì toàn bộ hệ thống sẽ bị tê liệt. Chính vì lẽ đó, nó không thể ngưng hoạt động trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Thiết kế phức tạp nhất cho CSDL với khả năng cung cấp dịch vụ cho số lượng lớn truy cập được thực hiện thông qua các hệ máy tính bó (clustering). Các máy tính bó phải được tổ chức trong mạng Fiber Channel được bảo vệ kép dữ liệu và nhờ đó, nhiều máy tình cùng chia sẻ nhau dữ liệu duy nhất. Các yêu cầu từ bên ngoài gửi đến hệ thống máy tính bó sẽ được chia đều tải trên các máy tính xử lý. Giải pháp này đắt đỏ và dư thừa công suất so với yêu cầu của một đài truyền hình nên thông thường khó tìm thấy trong thực tế. Hiện tại chỉ có các đơn vị truyền hình cáp, với yêu cầu truy cập CSDL lớn và số lượng bản ghi lên đến mức hàng triệu bản ghi mới cần đến CSDL loại này. Với sự tăng trưởng nhanh chóng của TNS của các đài, sự cần thiết phải sử dụng đến giải pháp này có thể cũng cũng không còn xa.
Giải pháp đơn giản và tiết kiệm nhất hiện nay để giải quyết bài toán tổ chức CSDL là sử dụng CSDL mirrowing. Theo phương án tổ chức này, 2 máy tính giống nhau được bô trí thành hai CSDL độc lập. Tại một thời điểm chỉ có một CSDL họat động, tuy nhiên, dữ liệu của CSDL được liên tục cập nhật lên máy thứ 2. Có thể bố trí nhiều hơn 1 máy mirrowing với nhiều chế độ mirowing khác nhau. Các chế độ khác nhau sẽ khác nhau ở thời gian và cách thức mà CSDL mirrowing được cập nhật thông tin theo CSDL chính đang chạy.
Phương án sử dụng CSDL mirrowing hiện đang được sử dụng rộng rãi cho các kênh lớn ở VN.
3. TỔ CHỨC CÔNG VIỆC VỚI HỆ THỐNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN SỐ
a. QUY TRÌNH CÔNG VIỆC CHUNG
Với việc đưa vào sử dụng hệ thống CSDL để quản lý tài nguyên số, công việc ở đài sẽ có thay đổi lớn về bản chất. CSDL sẽ bao trùm lên mọi hoạt động của Đài. Sẽ không còn cần thiết phải sử dụng các cây thư mục trong các hệ thống lưu trữ cũng như không cần thiết phải thực hiện việc chia sẻ các thư mục dùng chung trên mạng. Mỗi vị trí làm việc sẽ chỉ biết tới công việc của mình và chỉ cần biết tới tổ chức lưu trữ cục bộ của máy mà không cần quan tâm đến bên ngoài. Hệ thống quản lý sẽ phải làm toàn bộ các dịch vụ cần thiết để phục vụ nhanh chóng mọi yêu cầu của người sử dụng hệ thống cho dù người đó là giám đốc, biên tập viên hay kỹ thuật dựng. Sơ đồ lưu chuyển công việc dưới đây phản ánh phần nào quy trình công việc chính của Đài sau khi thực hiện việc quản lý tài nguyên:
b. QUY TRÌNH CÔNG VIỆC CHO LÃNH ĐẠO Lãnh đạo đơn vị bắt đầu bằng việc duyệt tin bài, kịch bản. Hệ thống quản lý sẽ sàng lọc để hiển thị cho lãnh đạo thứ tự ưu tiên của tin bài, kịch bản cần duyệt. Kịch bản được duyệt sẽ được biết đến ngay lập tức trên toàn hệ thống và nhờ đó cả hệ thống có thể khởi động để thực hiện chương trình. Chương trình thực hiện xong sẽ phải khai báo cho hệ thống để hệ thống biết được vệ sự tồn tại của chương trình mới. Nếu việc khai báo đã được thực hiện trước đó để phục vụ mục tiêu xếp lịch phát sóng trước, sau khi thực hiện chương trình xong, cần thiết phải tạo kết nối giữa metadata đã khai báo và media. Việc khai báo sẽ cho phép hệ thống quản lý có được đầy đủ thông tin chính xác về media. Việc khai báo metadata phải được thực hiện bởi biên tập và kỹ thuật dựng.
Chương trình hoàn chỉnh chờ lên sóng sẽ phải qua công đoạn kiểm tra trước khi lên sóng cuối cùng cua Tổng biên tập hoặc đơn vị kiểm duyệt. Một chương trình không thể được lên sóng cho đến khi có dấu kiểm duyệt cuối cùng này.
c. QUY TRÌNH CÔNG VIỆC CHO BIÊN TẬP
Với hệ thống quản lý TNS, công việc của biên tập sẽ được giảm nhẹ và năng suất lao động sẽ được tăng cường đáng kể.
Với khả năng truy cập ngay lập tức vào kho TNS của Đài, biên tập viên có thể biết chính xác ngay lập tức thứ mình đang có trong Đài, các nội dung tương tự đã được thể hiện và các tư liệu về vấn đề mình quan tâm.
Thay vì mất rất nhiều thời gian tìm kiếm băng và xem băng, biên tập viên có thể lựa chọn tư liệu hoặc chương trình hoàn chỉnh theo tiêu chí lọc tin mà mình đưa ra. Việc tìm kiếm thông tin trong CSDL là cực kỳ hiệu quả và nhanh chóng.
Với hệ thống lowress được thiết lập như là một dịch vụ của hệ thống quản lý TNS, biên tập viên có thể xem nội dung của bất kỳ chương trình hay tư liệu nào trực tiếp từ máy tính của mình. Nhờ đó, giảm được đang kể thời gian chọn tư liệu và tăng cao được năng suất và chất lượng chương trình. Lowress có thể được tổ chức như là file phát qua mạng hoặc như video được streaming qua mạng. Lowress cho phép giảm đáng kể chi phí cho hệ thống mạng, cho máy tính biên tập và giảm đáng kể chi phí khai thác, vận hành do không hao tổn các vật tư đắt tiền trong quá trình khai thác tư liệu.
Thông thường, sau khi đánh dấu đoạn quan tâm, hệ thống quản lý sẽ có trách nhiệm chuyển đoạn file yêu cầu vào thư mục cần để phục vụ việc dựng hình.
Sau đây là quy trình công việc của Biên tập:
d. QUY TRÌNH CÔNG VIỆC CHO KỸ THUẬT DỰNG
Trong hệ thống TNS được quản lý chặt chẽ, công việc của kỹ thuật dựng thu gọn vào việc chính của mình. Quy trình được thể hiện như sau:
e. QUY TRÌNH CÔNG VIỆC CHO BIÊN TẬP KÊNH
Công tác biên tập kênh hoàn toàn dựa trên CSDL chương trình của hệ thống. Với các chương trình có đầy đủ metadata và media trong hệ thống, biên tập viên kênh chỉ cần tạo playlist với sự trợ giúp của CSDL với các động tác kéo thả, chèn cắt đoạn quen thuộc.
Với các chương trình chưa có media trong hệ thống. Để biên tập kênh có thể làm việc được, các biên tập chương trình phải khai báo trước metadata của các chương trình mình đang làm hay sắp làm. Các metadata này không có link đến media nên bị xếp vào loại trống (Dummy). Sau khi chương trình được hoàn tất, các số liệu được khai báo ước định trước như độ dài chương trình, mark in, mark out sẽ được tự động sửa lại để đúng với thực tế.
Thông thường để đảm bảo quy trình quản lý, mặc dù playlist có thể được tạo cho bất kỳ ngày nào và từ bất kỳ máy tính nào trong hệ thống quản lý TNS, hệ thống sẽ hạn chế, chỉ cho phép máy tính phát sóng được quyền thay đổi playlist ở ngày cuối cùng khi lên sóng. Các máy khác không được phép sửa chữa playlist của ngày hiện tại.
f. QUY TRÌNH QUẢN LÝ QUẢNG CÁO.
Hệ thống quản lý quảng cáo có nhiều dữ liệu liên quan tới kế toán và công tác kinh doanh của Đài như doanh số và khách hàng nên cần được tổ chức riêng với CSDL riêng nhưng phải có trao đổi mật thiết với CSDL phát sóng.
Quy trình quản lý quảng cáo gắn với hệ thống quản lý TNS được mô tả như sau:
1. Các công ty book quảng cáo sẽ chuyển các băng quảng cáo hoặc đĩa CD/DVD chứa các clip quảng cáo đến trung tâm. Các clip quảng cáo của các công ty sẽ được được ghi vào server. Sẽ khuyến khích các công ty đưa clip gốc đến bằng file MPEG-2 4:2:2 tốc độ bít từ 10 đến 15 Mbps để đảm bảo chất lượng tín hiệu cao nhất và loại bỏ việc sử dụng băng, giảm tải cho đầu đọc băng. Các file này sau khi kiểm tra được chuyển vào server phát sóng. Các clips khác nhau sẽ có mã khác nhau. Mã clips trùng với mã băng
2. Các clip quảng cáo của các công ty sẽ được cập nhật vào cơ sở dữ liệu. Các clip này có thể được xem lại ngay trên màn hình video ở vị trí của nhân viên lập lịch và vị trí của nhân viên nhập clips vào hệ thống.
3. Book quảng cáo sẽ dựa vào các bản booking. Một khi có booking, dữ liệu về booking sẽ được cập nhật vào sơ sở dữ liệu booking. Nội dung cập nhật bao gồm một số thông tin cơ bản như: Đơn vị book quảng cáo, Mã đơn vị book quảng cáo, các mã thời gian book cho từng ngày, mã clips book,… Chương trình sẽ hỗ trợ đơn giản hóa việc book dài hạn ở mã thời gian cố định.
4. Web server sẽ được bố trí và đặt kết nối lên trang chủ của Đài, cho phép khách hàng sử dụng mã công ty và mật khẩu của mình để xem lịch book quảng cáo của mình. Thông tin hiển thị có thể lựa chọn theo tiêu chí tất cả các quảng cáo hay chỉ quảng cáo cho một sản phẩm. Thông tin được hiển thị bao gồm thông tin về mã thời gian/ kết hợp hoặc không kết hợp với thời gian dự kiến lên sóng cùng tên chương trình phát sóng trước và sau quảng cáo. Một số thông tin khác có thể được cấp thêm tùy theo tình hình khai thác thực tế sau này và tùy theo yêu cầu hợp lý của khách hàng.
5. Máy tính lập lịch sẽ lập lịch phát sóng cho các kênh dựa trên CSDL booking quảng cáo và các clip đã được đưa vào hệ thống. 6. Các đoạn quảng cáo (playlist) có thể được sửa lại ngay trước giờ phát sóng. Tuy nhiên để đảm bảo tính ổn định của hệ thống phát sóng, các thay đổi ở ngày phát sóng phải được thực hiện ở TKC. Những ngày chưa phát sóng có thể được thay đổi từ bất kỳ máy tính lập lịch nào.
7. Đến giờ phát sóng quảng cáo, hệ thống phát sóng tự động của các kênh có automation sẽ tự động lên sóng quảng cáo. 8. Mỗi khi phát xong một clips, hệ thống phát sóng sẽ tự động ghi lại thời điểm thực phát, thời lượng thực phát, tên clips và một vài đặc trưng khác để phục vụ mục đích kiểm tra và billing. Ghi chép này gọi là AS-RUN-LOG.
9. Hệ thống ghi hình bằng chứng phát sóng sẽ ghi lại tín hiệu phát sóng từ anten. Mỗi ngày, hệ thống sẽ ghi lại 01 file với độ phân giải thấp, tốc độ bít khoảng 100kbps tiêu chuẩn WM9. File ghi được này có thể tiếp cận tự do trong mạng của Đài.
10. Phần mềm kiểm tra tín hiệu đã phát sóng sẽ kết hợp AS-RUN-LOG với file ghi hình bằng chứng phát sóng để xem lại bất kỳ clips nào đã được phát sóng ở một ngày bất kỳ.
11. Phần mềm xác nhận book quảng cáo sẽ dựa trên AS-RUN-LOG và danh mục thực tế phát sóng từ xe màu để đánh dấu các clips đã được phát sóng trong hệ thống book lịch quảng cáo phục vụ cho mục đích kiểm tra, in báo cáo, thống kê và kế toán.
4. VẤN ĐỀ AN NINH MẠNG TRONG GIAI ĐOẠN MỚI.
Việc tổ chức hệ thống quản lý TNS sẽ tạo kết nối mạng các hệ thống hiện tại còn hoạt động riêng rẽ của các đài: Hệ thống dựng hình, hệ thống máy tính biên tập, hệ thống phát sóng và internet.
Việc tổ chức các mạng độc lập, không có kết nối ra ngoài, cấm các cổng dữ liệu và cấm trao đổi dữ liệu không còn hợp với thời kỳ mới.
Thực tế chúng ta phải chấp nhận đánh đổi khi quyết định sử dụng hệ thống quản lý TNS giữa an toàn phát sóng và tiện ích với hiệu suất công việc.
Lợi ích bao giờ cũng đi liền với rủi ro. Chúng ta chấp nhận rủi ro thì sẽ đạt được một số lợi ích nhất định. Trong trường hợp xấu nhất, cần tính tới khả năng bị hacker xâm nhập và cố gắng sửa đổi chương trình phát sóng.
Tuy nhiên, có sự khác biệt về cơ bản giữa hệ thống tin học phục vụ truyền hình và một hệ thống máy chủ trên mạng. Phần lớn các máy chủ trên mạng hoạt động một cách tự động và không cần người giám sát. Các hệ thống phát sóng có rất nhiều người giám sát hoạt động của nó. Tối thiểu luôn có một người trực phát sóng. Bất kỳ sự đột nhập nào vào hệ thống gây thay đổi cho hệ thống đều dễ dàng bị phát hiện kịp thời và nhờ đó, giảm thiểu được tác hại của nó.
Việc chấp nhận rủi ro cũng như các ngân hàng chấp nhận rủi ro khi cho khách hàng kết nối qua internet vào hệ thống máy tính của ngân hàng.
Chúng ta chỉ cần ý thức được rui ro để có đầu tư thích đáng cho an ninh mạng trong hoàn cảnh mới. Nhất quyết không thể triển khai các hệ thống quản lý TNS mà không đi kèm theo đầu tư nghiêm túc cho hệ thống an ninh như tường lửa, router hoặc switcher lớp 3 và hệ thống phần mềm antivirus.
Một số thiết bị không nên cài antivirus do hiệu suất công việc bị suy giảm, như các bộ dựng phi tuyến. Một số khác không cho phép cài antivirus do hệ thống không thể chấp nhận các phần mềm có ưu tiên cao như phần mềm diệt virus như các server phát sóng hay ghi hình. Đối trường hợp đó, thông thường cần thiết phải sử dụng máy tính từ bên ngoài để kiểm soát và quét virus trên các thiết bị đặc chủng đó.
Để chống virus, một giải pháp tương đối hiệu quả là sử dụng nhiều hệ điều hành trong cùng hệ thống. Giải pháp này dựa trên thực tế là các phần mềm phá hoại thường không thể di chuyển giữa các hệ điều hành khác nhau. Nếu một số thiết bị trọng yếu sử dụng hệ điều hành khác biệt với hệ điều hành sử dụng ở Ban biên tập- đơn vị dễ bị các phần mềm phá hoại thâm nhập nhất thì hệ thống sẽ dễ dàng vượt qua các đợt lây nhiễm virus ở Ban biên tập.
5. LỜI KẾT.
Với lợi ích thiết thực từ việc tin học hóa và trào lưu tin học hóa ở tất cả các Đài truyền hình, việc sử dụng CSDL để quản lý TNS chỉ còn là vấn đề kinh phí. Với đội ngũ tin học đông đảo trong cộng đồng truyền hình, tôi tin rằng, các hệ thống quản lý TNS sẽ sớm được triển khai rộng rãi trên toàn quốc để tăng hiệu quả công việc của các Đài và giảm được nguy cơ mất sóng, nguy cơ mất tư liệu hay mất mát chương trình truyền hình. Với các sản phẩm nội sẵn có, hiệu quả quản lý sẽ được tăng cao hơn nữa do giao diện thân thiện với người sử dụng và nhờ quy trình công việc sát với đặc thù của Ngành truyền hình Việt nam.
Dr. Nguyễn Huyền Diệu
Công ty TNHH HD Việt nam